Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Bí quyết phấn nụ cung đình của cô gái 8x

Bí quyết phấn nụ cung đình của cô gái 8x

Bí quyết phấn nụ cung đình của cô gái 8x Bí quyết chế tạo mỹ phẩm cho các bà hoàng, cung phi... thời triều Nguyễn đã được Nguyễn Phương Khanh, cô gái 8x đời thứ 4 trong một gia đình gốc Huế kế thừa thành công.

Đầu thế kỷ XIX, Huế được chọn làm kinh đô. Cùng với việc thiết lập triều cương, thì ở chốn hậu cung một nhu cầu không thể thiếu đối với các cung tần, mỹ nữ là làm đẹp. Chính vì vậy, nơi đây có hẳn một công nghệ chế tạo mỹ phẩm cho các bà hoàng, cung phi... làm từ nguyên liệu thiên nhiên, và phấn nụ ra đời từ đó. Tương truyền bà Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại cả đời dùng phấn nụ, thọ trên trăm tuổi mà làn da không một vết đồi mồi.

Năm 1945, khi triều Nguyễn cáo chung, kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình, người thị nữ được giao nhiệm vụ chế biến phấn nụ để phục vụ cho các bậc mẫu nghi chốn cung đình đã mang phương pháp bí truyền này ra bên ngoài làm kế mưu sinh. Sau đó bà đã truyền nghề cho con gái là Trần Thị Thiểu (tên gọi theo chồng là bà Hường). Dù sản phẩm dưới bàn tay bà Hường nổi tiếng một thời ở đất cố đô, nhưng phải đến đời thứ 4, cô gái Nguyễn Phương Khanh -  truyền nhân của phấn nụ cung đình Huế mới phát triển thành công thương hiệu chính thống này với doanh thu hơn chục tỷ đồng mỗi năm.

bi-quyet-phan-nu-cung-dinh-cua-co-gai-8x

Phương Khanh cùng mẹ phát triển sản phẩm phấn nụ lên một tầm cao mới.

Một trong những nguyên tắc của người nắm giữ bí quyết pha chế phấn nụ là chỉ truyền nghề cho con gái của mình, và người đó cần phải có tâm trong sáng, đằm thắm, kiên trì, chịu thương chịu khó. Bà Hường có 9 người con, nhưng chỉ truyền lại cho cô con gái đầu là bà Tùng (nay đã định cư tại Mỹ) và cô con gái út là bà Phương. 

Năm 1977, bà Phương theo chồng vào Sài Gòn lập nghiệp. Những tưởng kế mưu sinh sẽ làm mất nghề, nhưng sau đó, một số người từ Huế có dịp vào nam đã liên lạc hỏi bà sao không còn bán phấn làm đẹp cho mọi người nữa. Lúc đó bà Phương mới quyết định quay trở lại nghề cho đến bây giờ.

Trong những câu chuyện về phấn nụ, Phương Khanh nhớ như in từng câu từng chữ lời bà ngoại nói với mẹ mình: "Dòng tộc mình có ba nghề: làm phấn, làm son, làm dầu dưỡng tóc. Ba nghề con phải chọn một, phải giữ một nghề cho mẹ. Nếu không, con sẽ có lỗi với tổ tiên". Chính những tâm niệm mà bà ngoại gửi gắm đã khiến cô gái trẻ Phương Khanh càng có thêm nghị lực nối gót nghề gia truyền của gia đình.

Ngay từ lúc lên 6 tuổi, cứ khoảng 23h tối, nhìn hình bóng mẹ nấu phấn nụ, lửa bập bùng phản chiếu trên nền gạch, Khanh thấy mê lắm và ghi nhớ mọi điều gắn liền với bí quyết lịch sử này.

"Đây là công thức của các ngự y, họ bào chế ra để cho các cung tần mỹ nữ bôi lên da làm trắng, đẹp. Trường hợp nếu có dị ứng, hoặc gặp vấn đề gì họ sẽ bị xử lý khắt khe, do đó việc bào chế rất nghiêm túc và lâu mới cho ra đời viên phấn mang hình nụ hoa", Khanh giải thích nguồn gốc tên gọi sản phẩm.

Để có những thỏi phấn nụ thành phẩm đạt chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn và quy trình công phu, tỉ mỉ. Chỉ cần một sơ suất nhỏ trong bất kỳ công đoạn nào, cả mẻ phấn có thể bị bỏ đi.

"Phải kết hợp 5 yếu tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Kim là vật dụng, phải sạch sẽ. Mộc là thảo dược chọn lọc kỹ càng. Thủy là nước mưa. Hỏa là quá trình nung nấu. Thổ là mình sao trên đất, dùng nồi bằng đất cho một số công đoạn. Quy trình phơi nắng, phơi sương cũng phải chú ý. Phơi như thế nào mới là đúng, nếu nắng to sẽ bị vỡ sản phẩm, chọn sương thời tiết nào mới là đúng, đó cũng là một khó khăn", Khanh nói và cho biết thêm ngày xưa thường dùng nước mưa, thường là chọn cơn mưa thứ hai, ba... rồi trữ dùng nguyên cho cả một năm. Sau này, cô mua máy lọc nước hiện đại từ nước ngoài về để sản phẩm tiết kiệm thời gian, vả lại nước mưa ngày nay không còn sạch lắm...

Nguyên liệu chính của phấn nụ là cao lanh hảo hạng, trắng mịn, không chứa tạp chất được bào chế với hơn 10 vị thuốc bắc (chủ yếu là rễ của các loại cây có tác dụng dưỡng da) và một số loài hoa... Để làm ra một mẻ phấn phải mất khoảng một tháng. Muốn có được những hạt phấn mịn tơi, nhẹ tênh thì nguyên liệu phải trải qua những công đoạn gạn đục khơi trong hết sức nghiêm ngặt. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong, tất cả được đưa vào buồng kín. Khoảng 24 tiếng sau, sản phẩm được đưa ra ngoài nhào trộn, tiếp đó là phơi nắng, phơi sương, ướp hương hoa... để ra hình hài một viên phấn hoàn hảo.

Hành trình của phấn nụ từ xưa cho đến nay luôn âm thầm, lặng lẽ mà bền bỉ với thời gian. Do đó, cách thức phát triển thương hiệu và bán sản phẩm của gia đình Khanh vẫn chỉ là những mối quen, ai có hỏi thì mới làm bán. Vì theo như mẹ Khanh chia sẻ "không được chạy theo số lượng, nếu làm nghề này mà không đặt cái tâm vào thì chi bằng bỏ nghề mà chọn theo nghề khác vậy". Nhưng với mong muốn tất cả phụ nữ Việt có thể sử dụng sản phẩm chất lượng với giá cả bình dân, Khanh đã có những bước đi táo bạo.

Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Khanh đã đăng ký theo học một lớp bán hàng qua mạng. Năm 2007, cô mạnh dạn đầu tư 3.000 USD để lập ra trang web riêng cho sản phẩm phấn nụ của mình. Thành công ngoài sức tưởng tượng với cô sinh viên trẻ khi lượng hàng đặt qua mạng ngày càng tăng và cô phải giấu mẹ mình phương thức bán hàng mới nhưng hiệu quả này.

Thừa thắng xông lên, năm 2008 Khanh một mình đem sản phẩm tiếp thị đến hội chợ và cho kết quả khả quan. Khi tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, cô quyết định về giúp mẹ làm phấn nụ.

Tham dự nhiều hội chợ mỹ phẩm trong nước càng khiến cho cô gái trẻ thấy day dứt về sự chiếm lĩnh của các thương nhiệu mỹ phẩm ngoại. Trong khi sản phẩm mang thương hiệu nổi trội trong nước chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tham khảo qua sách báo, biết hàng năm ở nước ngoài có hàng trăm hội chợ quy mô lớn về mỹ phẩm, Khanh đã ngấm ngầm thiết lập cho mình một kế hoạch lớn. Đầu năm 2012, cô xin visa tự túc qua Mỹ để dự các hội thảo về sản phẩm dược, mỹ phẩm.

Ngay trong đợt phỏng vấn đầu, Khanh bị loại. Không chấp nhận, Khanh đã đấu tranh kiên quyết với lãnh sự Mỹ ở TP HCM với ước nguyện cháy bỏng: "Tôi là người giữ thương hiệu truyền thống Việt Nam, nếu các ông không cho tôi đi để tham khảo và học hỏi để phát triển sản phẩm của mình, thì một mai có bị mai một, các ông có chịu trách nhiệm không?". Kết quả là Khanh được cấp visa đi Mỹ.

Sau khi về nước, bằng những tích lũy kinh nghiệm học ở nước ngoài, Khanh mạnh dạn thành lập công ty. Tuy nhiên, dù hướng phát triển sản phẩm theo phương thức hiện đại, nhưng Khanh kiên định phải luôn theo quy tắc mà mẹ đưa ra. Tiếp đó cô tiến hành đăng ký độc quyền, kiểu dáng công nghệ.

"Ngày xưa là chuẩn trong cung cấm, nay cũng phải luôn cập nhật chuẩn của Bộ Y tế đưa ra. Ở Việt Nam chưa có luật riêng về mỹ phẩm, tôi đang kiến nghị đưa ra luật để bảo vệ những sản phẩm thuần Việt để bảo vệ người sản xuất cũng như tiêu dùng", Khanh nói.

Tính đến nay, cô gái trẻ sinh năm 1986 đã phát triển được chuỗi 9 cửa hàng và hàng trăm đại lý, nhưng vẫn thận trọng khi chưa đưa sản phẩm ra chợ truyền thống. Có nhiều đối tác ở Nhật Bản, Philipiness đề nghị hợp tác, nhưng Khanh từ chối. Lý giải về việc này cô cho biết đây là sản phẩm gia truyền, nên việc chạy theo số lượng dễ dẫn đến quản lý chất lượng kém, vì tất cả sản phẩm đều làm thủ công.

Trong kế hoạch phát triển, Phương Khanh đang ấp ủ riêng cho mình một mô hình spa thuần Việt. Theo cô, đây là một hình thức kết hợp làm đẹp toàn diện với quy trình bài bản tái hiện cung cách xưa trong cung đình Huế, nhưng hiện đại.

Mai Hoa

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét