Chuyện người Mỹ thiết kế khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam
Bảy năm trôi qua, nhưng đối với tôi, ấn tượng về ngày đầu xây dựng khu nghỉ dưỡng InterContinental Da Nang Sun Peninsula Resort vẫn còn nguyên vẹn.
Bán đảo Sơn Trà từng là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Khu vực biệt lập có diện tích khoảng 3.000 ha này, được bao quanh bởi những bãi cát màu vàng caramel và nhiều gềnh đá được thiên nhiên đẽo gọt công phu. Cạnh đó, những con dốc nối từ bãi biển, men theo triền đồi, dẫn lên cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Bán đảo Sơn Trà đẹp đến mức khiến một người ngao du nhiều như tôi cũng phải sửng sốt. Trong giây phút gặp gỡ đầu tiên, tôi đã đinh ninh rằng, mình có thể tạo nên một tuyệt tác nghỉ dưỡng tại đây.
Thiên nhiên hài hòa nơi bán đảo Sơn Trà. |
Tôi đã tự đặt ra nguyên tắc cho mình, là phải luôn coi trọng trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên khi thiết kế bất cứ khu nghỉ dưỡng nào. Với tôi, một khu nghỉ dưỡng hoàn hảo, là khu nghỉ dưỡng tôn vinh được vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên, và bảo tồn được nguyên trạng cảnh quan xung quanh. Sau này, bất cứ ai đặt chân đến Sơn Trà cũng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ nơi đây, giống như cách tôi cảm nhận khi ngâm mình trong làn nước mát lạnh, dưới ánh nắng rực rỡ và hơi mát phả ra từ khu rừng nhiệt đới.
Có những nguyên tắc thiết kế và xây dựng để bảo vệ thiên nhiên mà tôi sùng kính như một tôn giáo. Đôi khi, chúng tạo ra không ít mâu thuẫn với đối tác. Ai từng làm việc với tôi cũng từng chứng kiến cơn thịnh nộ của Bill Bensley khi cây xanh bị chặt phá mà không hề cân nhắc. Một cái cây ngã xuống, đối với tôi, là một sự mất mát.
Khu vực triển khai dự án trải rộng từ bờ biển, vươn lên theo con dốc cao 80 m và men theo sườn của núi Khỉ. Địa hình phức tạp từng khiến tôi đau đầu với bài toán chọn phương tiện di chuyển cho khách vào khu nghỉ dưỡng. Không biết tự khi nào mà tôi phải thay đổi quan niệm xe buggy chỉ dành cho sân golf. Ở đây, những con đường nội bộ được thiết kế đủ rộng cho hai làn xe buggy. Mặt đường lót sỏi tạo hình tượng các loài sinh vật biển lạ mắt và sinh động.
Khu Royal Residence của khu nghĩ dưỡng với không gian mở bao la. |
Để du khách không phải chờ xe, 197 phòng và villa của khu nghỉ dưỡng được trải ra trên địa hình phân tầng và liên kết bởi tuyến cáp Nam Tram. Đây là hệ thống cáp kéo hiện đại, được thiết kế như một chiếc thuyền gỗ hướng ra biển Đông. Thay vì lướt nhanh bằng xe buggy, du khách có thể ngắm nhìn biển ngọc từ cabin cáp treo.
Không gian và sự riêng tư luôn được đề cao tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Có tổng cộng 4 tầng địa hình trong khu nghỉ dưỡng, từ thấp lên cao là biển, đất, trời, và thiên đường. Số lượng các tòa nhà được xây dựng rất ít ở tầng biển và tăng dần lên theo độ cao. Tầng biển chỉ có các tòa nhà độc lập, còn tầng đất có 4 tòa nhà, mỗi tòa 4 phòng nghỉ. Tầng trời có 8 tòa nhà và lên đến thiên đường thì con số này là 16. Thủ thuật này khiến cho cả khu nghỉ dưỡng vốn đã rộng, nay lại càng khoáng đạt hơn.
Tại thiên đường - tầng cao nhất, tôi còn ứng dụng thiết kế mái ngói có chóp nghiêng lấy cảm hứng từ những căn nhà cổ Hội An. Các căn penthouse với mái ngói thuần Việt nổi bật trên nền trời xanh thẳm, mang lại cảm giác gần gũi và thân quen cho khách đến.
Phòng nghỉ hiện đại có tầm nhìn hướng ra biển. |
Phong thủy là yếu tố quan trọng trong các thiết kế của các quốc gia châu Á. Quan niệm phong thủy của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng so với những phương pháp xây dựng khoa học mà tôi học được khi còn là sinh viên kiến trúc. Khi tôi đặt bức tượng tỳ hươu bằng sứ tại lối ra vào phòng khách, chủ đầu tư khuyên tôi nên đặt ở phía cổng ngoài khu nhà. Như vậy, bức tượng thiêng có thể xua đuổi được tà khí, mà lại không gần nơi sinh hoạt của khách, tránh được điều kiêng cữ trong quan niệm phong thủy phương Đông. Đây quả là một điều thú vị.
Khi thiết kế căn phòng cao cấp Atrium Suite 130 m2, ánh sáng và gió trời tự nhiên được tận dụng tối đa. Có tới 70% diện tích căn phòng dành để xây ban công nhìn ra biển. 30% diện tích còn lại sử dụng cho phòng ngủ, phòng tắm và khu vực sinh hoạt chung. Cách bố trí các cửa sổ cỡ lớn và nhiều cánh cửa gỗ tạo ra không gian nối tiếp, giống như những khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp ở Bali.
Cũng chính vì vậy, khách rất ít dùng điều hòa nếu nghỉ tại phòng Atrium Suite. Cảm giác thư thái khi ngồi trên chiếc ghế bành lớn ở ban công, hay bên chiếc bàn ăn hình tấm ván lướt sóng để nghe tiếng rì rào của biển, tận hưởng hơi mát phả ra từ cỏ cây, thú vị hơn nhiều so với một căn phòng kín có máy lạnh. Đối với tôi, Atrium Suite là hạng phòng có thiết kế tâm đắc nhất.
Kiến trúc sư Bill Bensley
0 nhận xét:
Đăng nhận xét