Đêm Khánh Ly - cuộc hạnh ngộ với giọng hát đã thành kỷ niệm
Gặp mặt, tìm lại cảm xúc là mong muốn của phần đông khán giả đến với đêm diễn Khánh Ly tại Hà Nội. Không màng giọng hát hay hay dở, họ chỉ cần thấy danh ca hiện diện ở đó, cất tiếng hát hóa giải niềm khao khát hàng chục năm.
- Khánh Ly vừa hát vừa kể chuyện về Trịnh / Khánh Ly đến viếng mộ Trịnh Công Sơn
Hà Nội ngày đầu tháng 5 năm 2014, danh ca Khánh Ly trở về sau 60 năm rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, và 39 năm tiếng hát không còn trực tiếp vang trên những con đường, góc phố Việt Nam ngoại trừ qua băng đĩa. Như Khánh Ly nói, bà giờ đã thành kỷ niệm. Thế nên, còn hạnh phúc nào hơn với những người hâm mộ Khánh Ly - hâm mộ nhạc Trịnh Công Sơn khi kỷ niệm của họ bỗng một ngày trở lại, hiện diện ngay trước mắt.
Khánh Ly đứng đó - bằng da thịt, cất tiếng nói, giọng cười, câu hát. Với cả danh ca và hầu hết khán giả có mặt trong đêm diễn tối 9/5, đêm nhạc như một giấc mơ đã thành sự thật.
Vợ chồng ông Chiến, bà Châu chở nhau đi nghe Khánh Ly. |
Có thể nói, khán giả đến với Khánh Ly là những người xem âm nhạc Khánh Ly như một phần cuộc sống. Đa phần, họ là những người lớn tuổi, trung niên, thuộc thành phần trí thức, từng có một thời thức ngủ với giọng hát liêu trai của nữ hoàng chân đất. Họ, trước hết, là những người đi tìm kỷ niệm.
Vé đêm diễn ghi bắt đầu lúc 19h30 nhưng từ 18h, ông Đỗ Huy Chiến, 75 tuổi, đã đèo người vợ 70 tuổi của mình - bà Vũ Thị Minh Châu - tới địa điểm. Hai ông bà đi hơn 10 km, từ Hoàng Mai, Hà Nội tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Mỹ Đình. Họ có hơn 34 năm nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh kể từ những năm 1980, khi bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên có Lê Công Tuấn Anh trình chiếu, cho họ lần đầu biết tới nhạc Trịnh rồi biết tới giọng hát liêu trai.
"Nhạc Trịnh nổi tiếng nhờ Khánh Ly, nhưng ngược lại, Khánh Ly cũng nhờ Trịnh Công Sơn mà được mọi người biết đến. Thực ra, ca sĩ hát nhạc Trịnh nhiều nhưng tôi vẫn thích những đĩa hát của Khánh Ly", ông Chiến nói. Ông bà cưới nhau được 50 năm. Trong nhiều năm của 50 năm đó, họ đã cùng nhau nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh mỗi khi rảnh rỗi. Đến khi cả hai đã qua tuổi thất thập, họ mới được đèo nhau trên chiếc Dream cũ, tới nghe một Khánh Ly có thật ngoài đời. "Cốt yếu đến là để gặp, để thưởng thức chứ không đòi hỏi gì. Không quan trọng đâu, làm sao đòi hỏi Khánh Ly như ngày trước", ông Chiến nói.
Với nhà thơ Anh Ngọc, một khán giả khác của đêm nhạc, tiếng hát Khánh Ly và âm nhạc Trịnh Công Sơn còn hơn cả kỷ niệm mà là "cú hích" mở toang nửa phần con người ông. Nhà thơ kể: "Đêm đầu tiên giải phóng Sài Gòn, tôi mua được một cái cassette nhỏ và được người ta lắp cho cái băng để thử, đó là băng Hát cho quê hương Việt Nam. Tôi nằm trong doanh trại bỏ không của sư đoàn thủy quân lục chiến Sài Gòn một mình, bật quạt và mở băng lên. Đấy là giờ phút có tính lịch sử với tôi, bởi nó như một cú hích. Đột nhiên nhạc Trịnh cất lên, cái tiếng đó là tiếng ở trong lòng tôi vốn có, tiếng mà con người bình thường ai cũng có, nhưng do hoàn cảnh thời sự, đành phải đóng lại - đến nỗi có lúc mình quên mất, tưởng như không có. Nhạc Trịnh đến, đấm một cái, mở tung cánh cửa". Và giúp Anh Ngọc mở ra cánh cửa đó chính là giọng hát Khánh Ly.
Nhà thơ nhận xét, Khánh Ly sở hữu giọng hát không cần kỹ thuật, hát tự nhiên như kể câu chuyện. Giọng hát ấy mềm mại, trầm được, cao được, lại khàn khàn nên hát về những mất mát càng thêm sâu sắc. "Bao nhiêu năm qua, tôi chưa từng hy vọng được nghe trực tiếp, bởi một khi thành huyền thoại rồi thì không còn sờ được nữa. Thực ra chúng ta hôm nay đang đối mặt với một hiện vật trong bảo tàng, đáng lẽ chỉ xuất hiện trong giấc mơ, trong cổ tích. Nhiều người cứ bảo đến để nghe giọng hát hay. Hay trên đời này thiếu gì, nhưng giọng hát đi vào máu của mình thì vấn đề không phải là hay hay dở nữa. Nó là một nửa cuộc đời", nhà thơ nói.
Nhà thơ Anh Ngọc. |
Nhưng Khánh Ly đã về, đã đứng hát rất gần. Không chỉ những mái tóc hoa râm, những người trẻ thuộc thế hệ 8X cũng hòa trong khoảng 3.500 khán giả tới show. Họ đến đơn thuần là để gặp giọng hát đã gắn bó một thời sinh viên nghèo mà vui, thời hay rủ nhau tới quán nhỏ trên phố ngồi nghe nhạc Trịnh. Trong số đó có cả niềm háo hức như trẻ con "lâu nay nghe tiếng chứ có thấy hình đâu, gặp được cô quả là một may mắn" của một giáo viên sinh năm 1983.
Người đi tìm kỷ niệm, có người đến là để gặp lại người quen. Ông Nguyễn Văn Mùi, từng làm cho một doanh nghiệp Pháp, cho biết, ông quen bố mẹ nữ danh ca nên đã gặp và nghe bà hát nhiều lần và cảm nhận: "Giọng hát với con người cô ấy hệt như nhau: rất chân thật, mộc mạc, không giả dối. Trong giọng hát có cái ngây thơ. Khi cô ấy hát, tấm lòng cô ấy mở ra với mọi người".
Cũng có những người, ngoài yêu thích tiếng hát, còn muốn chứng kiến một hiện tượng - Khánh Ly hát tại quê nhà sau 39 năm khác biệt sẽ như thế nào. Ông Nguyễn Đức Toàn, 77 tuổi, mới từ Canada về nước một tháng nay. Mắc chứng Parkinson, ông Toàn được anh trai và vợ đưa đến đêm nhạc trên xe lăn. Ông từng nghe giọng hát mình yêu mến nhiều lần ở Canada nhưng "chưa hình dung được thần tượng của mình diễn sống ở Hà Nội, và muốn xem cảm giác mọi người nhìn Khánh Ly qua thực tế ra sao".
Ca sĩ Khánh Ly. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
Dù với bất cứ lý do gì, cuộc trở về của "nữ hoàng chân đất" giữa lòng Hà Nội đã là cuộc hạnh ngộ. Chút e dè, căng thẳng, áp lực ban đầu như còn thăm dò nhau nhanh chóng được hóa giải khi chính Khánh Ly cởi lòng: "Tình yêu đôi khi là gánh nặng cho người được yêu. Quý vị yêu tôi nhiều quá làm tôi áp lực. Quý vị căng thì tôi cũng cảm thấy căng, mà cả hai bên đều căng thì sẽ đứt". Sau câu nói đó, tiếng vỗ tay vang lên, giúp cho đêm nhạc không còn bất cứ rào cản tâm lý nào nữa.
Càng về sau, Khánh Ly hát càng sung. Khán giả im lặng nghe rồi vỗ tay cuối mỗi bài hát càng lớn hơn, dài hơn. "Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ" - câu hát gần cuối đêm nghe như nghẹn nhưng lại không một giọt nước mắt. Bởi dư vị sau cùng không phải sự ngậm ngùi, tiếc nuối vì quá lâu xa cách, hay vì điều gì đó đã theo thời gian mà vơi nhạt. Dư vị sau cùng chính là cuộc trở về đã làm đầy thêm yêu thương, viên mãn cho cả người vừa trở về lẫn người ở nơi này, như câu hát của Trịnh: "20 năm vơi cạn lại đầy". Dẫu là 20 hay 39 năm, thậm chí xa hơn là cả một đời người 60 năm thì "vẫn là thuở nào".
Ra về, trong cuộc trò chuyện với bạn bè, Minh Thu, đến từ Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, cảm giác: "Mọi người chưa ai có tâm thế ra về". Như khi chương trình kết thúc, Khánh Ly đã lui vào hậu trường, một nhóm khán giả lớn tuổi còn lên sân khấu đòi bằng được "cho chúng tôi gặp thần tượng". Như Tuấn Ngọc nói trong đêm diễn, Khánh Ly chắc chắn là hạnh phúc.
Hoàng Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét