Du học Đức chi phí thấp
Rất đông học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh đến tham quan những gian trưng bày để tìm hiểu thông tin, cơ hội học tập và nghiên cứu, cũng như những chương trình đào tạo có cấp bằng, chứng chỉ tại Đức. Buổi nói chuyện về điều kiện học tập và hướng dẫn làm thủ tục cũng hấp dẫn khá nhiều người tham dự. Nhiều bạn trẻ cảm thấy rất thú vị với 45 phút học thử tiếng Đức ngay tại triển lãm. Em Thanh Tùng, sinh viên ĐH KHTN Hà Nội cho biết: "Em không bỏ sót triển lãm du học nào. Nhưng đây thực sự là một bất ngờ vì người đi xem triển lãm lại được học thử tiếng và được hướng dẫn cụ thể về cách làm visa. Các chương trình du học cũng khá hấp dẫn vì không quá đắt đỏ".
Tiến sĩ Kirsten W. Endes, đại diện của DAAD tại Hà Nội, cho biết: "Hầu hết sinh viên học tại các trường đại học Đức không phải đóng học phí, mà chỉ phải đóng một khoản lệ phí nhỏ cho các hoạt động xã hội của sinh viên. Khoản lệ phí này cho phép họ được sử dụng miễn phí các phương tiện công cộng".
Chi phí sinh hoạt tại Đức khá thấp so với các nước trong khu vực và phù hợp với khả năng của lưu học sinh, chỉ khoảng 600 USD tháng. Ngoài ra, mỗi một năm học sinh viên có 90 ngày nghỉ học kỳ, thời gian này họ có thể đi làm thêm để có thu nhập cho sinh hoạt. Số tiền kiếm được nếu đi làm hết thời gian này, có thể chi tiêu trong nửa năm.
Điều đặc biệt của chương trình du học Đức là không yêu cầu sinh viên phải biết tiếng Đức, bởi các khóa học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Visa du học Theo Giáo sư, Tiến sĩ Achim Mehlhorn, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH Đức, nếu đã đăng ký học tại các trường này, sinh viên phải biết tiếng Anh. Hầu hết các chương trình được giảng dạy bằng tiếng Đức bắt đầu từ năm thứ hai đại học.
Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Wolfgang Massing cho biết, sinh viên du học Đức bằng ngân sách Nhà nước hoặc học bổng của các tổ chức hay Chính phủ thì không cần chứng minh tài chính. Nhưng du học tự túc thì phải đảm bảo khả năng sinh hoạt tự lập tại Đức, do đó phải chứng minh được nguồn tài chính ít nhất là 600 USD/tháng.
Trước khi nộp đơn xin du học nhất là theo hình thức tự túc, học sinh nên cẩn trọng. Tuy 98% trường ĐH ở Đức là công lập, các trường dân lập có mức học phí tương đối cao. Một số trường chất lượng đào tạo không tốt do đó, nếu học sinh có nhu cầu xin học nên nhận tư vấn từ Hiệp hội Các trường ĐH Đức.
Ông Thanh, người có con du học ở Đức cho biết, thủ tục làm chứng minh tài chính còn quá rườm rà và phức tạp. Thời hạn nộp hồ sơ thường là trước hai tháng nhưng có trường chỉ thông báo đồng ý tiếp nhận cho học sinh trước nửa tháng, đôi khi gây quá hạn cho học sinh. Ngài đại sứ cũng thừa nhận thực tế này và hứa sẽ xem xét để khắc phục.
Việt Nam và Đức hợp tác chặt chẽ về giáo dục
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Nhung, các chương trình học bổng và dự án hợp tác giáo dục giữa hai nước đang được thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, trong những năm qua, Đức còn hỗ trợ cho ngành giáo dục Việt Nam về trang thiết bị và công tác dạy nghề.
Năm ngoái trường ĐH Kỹ thuật Dressden đã có mở một khóa học liên kết với ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo giáo viên dạy nghề. Dự kiến năm nay trường sẽ tiếp tục liên kết đào tạo thạc sĩ điện tử, cơ khí. Xem thêm Xin Visa Sau khi tốt nghiệp khóa học này, sinh viên có thể sang Đức hay cụ thể là trường ĐH Dressden học tiếp bằng tiến sĩ.
Bà Kirsten W. Endes cho biết: "Các ĐH Đức sẵn sàng đón nhận sinh viên Việt Nam. Chúng tôi mong muốn ở sinh viên Việt Nam là sự sáng tạo, tính kỷ luật và sự nhiệt tình".
Anh Trần Quốc Hùng, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Các doanh nghiệp Đức - châu Á Thái Bình Dương, cựu sinh viên ĐH Xây dựng Weimar, cho biết 20 năm trước anh được chọn sang học tại Đức. Tại đây anh không chỉ học hỏi thêm về văn hóa, con người đất nước Đức mà còn học được phương pháp và kỷ luật làm việc. Anh nói: "Trong những năm học tại Đức tôi được đi thực tế ở các địa phương, đặc biệt là 6 tháng thực tập tại Văn phòng kiến trúc thành phố Lepzig, cùng các kỹ sư Đức thiết kế nhà ga Weimar, mà thực sự được làm việc chứ không chỉ ngồi tưởng tượng hay chỉ là mô hình. Những gì tôi học được và trải nghiệm đã giúp tôi rất nhiều trong công việc hiện tại".
Hiện nay các ngành đào tạo đang được coi là ưu thế của Đức là Công nghệ truyền thông, Khoa học vật liệu, các ngành phát triển mạnh: Kỹ thuật, Khoa học tự nhiên và Sinh học phân tử.
Thúy Hà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét