Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

'12 năm nô lệ' - trên đường về lại tự do

'12 năm nô lệ' - trên đường về lại tự do

'12 năm nô lệ' - trên đường về lại tự do

Trong thứ ngôn từ gần như cực thực được dựng lên từ ký ức, hình ảnh người nô lệ Northup hiện lên với quãng đời bi đát, khổ nhục, phơi mở tận cùng đến ám ảnh.

  • Tiểu thuyết '12 năm nô lệ' xuất bản ở Việt Nam

Tên sách: 12 năm nô lệ
Tác giả: Solomon Northup
Dịch giả: Trần Đĩnh
Nhà xuất bản Phụ Nữ.

Việc Oscar lần thứ 86 vinh danh 12 Years a Slave là "Phim xuất sắc" không hẳn là lý do duy nhất khiến bạn phải, theo cảm hứng đối sánh, tìm đọc cuốn sách tạo nên chất liệu cho bộ phim này của Solomon Northup. Bộ phim, khỏi cần nhắc những lời ngợi ca, vẫn đủ thấy là kiểu phong cách Hollywood thường Mỹ hóa những con người bình thường thành biểu tượng người hùng với tất cả giá trị cao đẹp, khiến hàng triệu khán giả xúc động và cảm phục anh chàng Northup không cam chịu kiếp nô lệ.  

body-12-nam-9434-1401952959.jpg

Sách 12 năm nô lệ vừa phát hành ở Việt Nam.

Nhưng cuốn sách, xin nói ngay rằng, chỉ với lối kể chân thực không hề dụng công thủ pháp, vẫn có thể gợi ý chúng ta một cách thưởng thức khác. Chính trong thứ ngôn từ gần như cực thực được dựng lên từ ký ức, hình ảnh người nô lệ Northup, cùng những số phận như anh, với quãng đời bi đát và khổ nhục chưa hề nguôi ngoai, lại sinh động và được phơi mở tận cùng đến mức thật ám ảnh.

Thời điểm Solomon Northup có mặt, nước Mỹ quãng đầu thế kỷ XIX, chưa hoàn toàn xóa bỏ chế độ nô lệ vốn nhiều khác biệt ở hai miền Nam - Bắc. Nhưng Solomon Northup không phải là một kiểu nô lệ "gia truyền", từ trong máu. Hãy chú ý lời khẳng định đầy kiêu hãnh ngay từ đầu của Northup, "Ra đời là người tự do", để biết rằng, một sự nhẫn tâm cố ý nào đó đã đẩy anh rơi vào vòng nô lệ suốt mười hai năm, ngang nhiên phi lý, mới là điểm cần phải bàn. Tuy là da màu nhưng Northup sinh ra trong tự do, được ăn học, nghĩa là, như thái độ Northup ý thức rất cao về mình, anh không giống với những người da màu thất học và khó mà cưỡng lại sự thống trị của quý ông chủ da trắng.

Trước khi bị lừa bán, Northup đã có một đời sống gia đình riêng hạnh phúc, "không gì ngoài những niềm hy vọng chung, tình yêu và sức lao động của một người đàn ông da màu, làm nên những bước tiến khiêm nhường trên thế giới này" và đó cũng là sức mạnh sâu thẳm để Northup vượt qua biến cố bi thảm. Chính những kẻ buôn nô và thực tế chế độ nô lệ ở miền Nam còn giăng mắc khắp nơi mới kéo Northup, từ 1841 đến 1853, chìm sâu vào kiếp sống tôi đòi. Qua nhiều tay ông chủ, qua nhiều trận đòn thừa sống thiếu chết, dở dang ý định chạy trốn, phải che giấu lai lịch bản thân, có lúc rơi vào bi quan cùng quẫn, cay đắng chấp nhận lao động khổ sai, bất lực cầu xin lòng thương... là những gì đặc trưng nhất, như Northup hình dung lại mà không hề cường điệu, về tình cảnh nô lệ da đen ở nước Mỹ từng trải qua.

Không ít những trường đoạn, như cuộc tan đàn xẻ nghé của gia đình nô lệ Eliza, có thể coi là tiêu biểu cho số phận bất khả kháng của địa vị hèn mọn trước quyền lực được thể chế hóa bởi roi vọt, luật lệ, và đồng tiền. Sống trong cảnh bần cùng, điều có thể tất yếu ở những người nô lệ này là sự mất nhân tính, thì như Northup, Eliza, già Abram đã thể hiện trong yêu thương và đùm bọc, lại chưa hề xảy ra, mà thay vào đó là một khả năng âm thầm giữ lấy cuộc sống tối thiểu. Điều ấy, nếu không hoàn toàn, thì cũng là một sự trái ngược nhất định với sự phi nhân ở những ông chủ, những kẻ buôn người. Tất nhiên Northup không phải là một kẻ khổng lồ trong sợi dây trói và đòn roi. Anh vẫn có khi nản lòng, tuyệt vọng, đã thấy mình "sống đời nô lệ mạt rệp" và sợ hãi. Đoạn đường trở lại tự do của anh, rõ ràng, chồng chất quá nhiều vết thương thân tâm và cái chết bất thần của đồng loại, nên cảm giác hoan hỷ sau cùng, có gì gần với một khúc bi ca. 

Không cho phép mình nói xa sự thật, nhưng chính sự thật khó tin đã khiến Northup, trong một nụ cười chua chát xen lẫn mỉa mai, không ít lần nhắc đến đất nước mà khi khai sinh đã đề cao tự do, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc. Có thể nước Mỹ đã quá nức tiếng bởi tuyên ngôn "tất cả mọi người sinh ra đều có quyền tự do và bình đẳng", thì Northup, khi bị đẩy xuống tận cùng đời nô lệ, đã thấy rằng "sự sống là quý giá đối với mọi sinh linh; đến con giun trườn mình trên đất cũng vật lộn để sống".

Suy nghĩ ấy cũng đáng để các thể chế không thể làm ngơ những lẽ phải mặc định của đời sống mà nhờ nó, người ta mới đích thị bình đẳng. Tuy nhiên, khá thú vị là, dường như không đủ sức tin vào thể chế, và như một người da đen còn nguyên mặc cảm phận vị nòi giống lạc loài, Northup đã cầu nguyện, đặt niềm tin vào Chúa trời. Chỉ có điều người đến cứu anh, giải thoát anh khỏi gông cùm, lại là một quý ông hiểu biết luật pháp và sẵn lòng nhân từ. Mâu thuẫn thâm căn đó, như ta thấy, vẫn là tình thế kéo dài cho đến tận gần đây không chỉ ở nước Mỹ.

Nhưng đọc 12 năm nô lệ, dưới ngòi bút hàm ơn mạch lạc rất đầu óc của Solomon Northup, người ta cũng đoán chắc, rồi đây, rất nhiều mâu thuẫn lớn sẽ được giải quyết bằng sự thông thái, hiểu biết và độ lượng.

Mai Anh Tuấn

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét