Những xúc cảm tình và đời trong thơ Lương Đình Khoa
"Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người" tập hợp những vần thơ đẹp mang tới nhiều dư vị cảm xúc cho độc giả.
- Phong Việt chắt chiu yêu thương gửi vào thơ / Nhiều tác giả ký tặng sách trong ngày Valentine
Tên sách: Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người
Tác giả: Lương Đình Khoa
Nhà xuất bản Văn học
Lương Đình Khoa là một người yêu thơ và làm thơ từ nhỏ. Anh từng đứng đầu bút nhóm Hương Nhãn (nhóm viết văn thơ tuổi thiếu niên nổi tiếng những năm 2000). Lương Đình Khoa đã cho phát hành tập thơ Khuôn mặt tình yêu, tập truyện ngắn Gió mùa thổi mãi và nhiều tác phẩm in chung khác. Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người tập hợp những bài thơ được viết trong vài năm gần đây của Lương Đình Khoa, vừa được Nhà xuất bản Văn học và công ty Người trẻ Việt phát hành.
Tập thơ Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người. |
Hơn 200 trang sách và những bài thơ được chia thành 5 phần rõ rệt: Yêu, Tình, Tình ca tháng, Cô đơn, Như một lời chia tay. Dù với chủ đề gì thì mỗi bài thơ của Khoa cũng tràn đầy cung bậc cảm xúc. Những bài thơ của Yêu viết về tình yêu đôi lứa với nhiều sắc thái.
Viết về tình yêu buổi ban đầu, Lương Đình Khoa không rót mật vào tai bạn gái, mà anh thể hiện tình cảm bằng những lời thủ thỉ với mẹ trong Nói với mẹ ngày yêu: "Mẹ ơi, con yêu mất rồi! Khi nàng đến bên con như thiên thần lòa chói/ Tâm hồn con bay lên, xác thân con cháy rụi... / Một thứ tro tình thơm ngát đến tinh khôi".
Tình yêu trong thơ Khoa khi trong trẻo như một câu chuyện cổ tích: "Tháng Bảy ngủ rồi/ Lưng đồi tí tách/ Cỏ hôn mưa ngọt/ Xanh vào mắt nhau/ Mắt anh bắc cầu/... Đêm sẽ thơm nồng/ Từ môi em ấm" (Trích Nói với em về cổ tích tình yêu); lúc lại đầy rạo rực, đam mê: "Bầy đom đóm hiện ra trộn hòa vào những bông hoa – những bông hoa lấp lánh/ Lũ dế mèn trộn vào cỏ xanh - cỏ xanh ngân tiếng hát/ Vũ trụ trộn vào nhịp tim - nhịp tim thổn thức/ Con trộn vào nàng... / Trái đất rùng mình - chợt hóa lời ru".
Phần thơ Tình là những nét vẽ về cái tình mênh mông cho kiếp người, cho nhân sinh, cho vạn vật. Khoa đưa vào thơ mình những suy tư: "Mặt trời đã có lần tự vẫn/ Khi cũng bao lần tìm mình trong câu hỏi: Mặt trời! Này mặt trời, người là ai"; và không ít trăn trở: "Ai... / Ai đang gọi tôi từ phía cuối giấc mơ?/ Giữa gối chăn căn phòng trọ chật hẹp/ Có chút gì ngọt bùi thanh khiết... / Hương phù sa ấm nồng!" (Trích Với sông Hồng).
Dành trọn những hân hoan cho phần Tình ca tháng, Lương Đình Khoa gửi vào các câu thơ niềm vui bên thềm tuổi mới. Trong Tình ca tháng Hai, tác giả viết: "Tháng Hai…/ Mùa xuân online bằng đào mai giăng đầy mắt phố/ Những đứa trẻ mỉm cười trong giấc ngủ/ Mơ làm chồi nụ mùa xuân...".
Và giống như những người làm thơ đa mang lấy nỗi buồn làm chất liệu sáng tác, Lương Đình Khoa dành hẳn một phần trong tập sách để nói về cô đơn. Tác giả không chỉ nói về sự lẻ loi của những người đang yêu, mà còn thể hiện tâm trạng của những bước chân chậm nơi phố thị mệt mỏi, những phút giây thinh lặng đối diện với tâm hồn. Đi đến tận cùng nỗi cô đơn, Khoa mang về những vần thơ ăm ắp nỗi niềm: "Tay run run vịn vào hờ hững những nông nổi/ Rút ra từ lồng ngực những hoang mang, bối rối/ Cả những giấc mơ chơ vơ khao khát buồn/ Ném lên bức vách đời mình. Tròng trành... Giấc mơ ngu ngơ đã lỡ/ Ta vỡ/ Lại cộng mình vào đêm" (Trích Bò chênh vênh trên vách cô đơn ru buồn).
Phần cuối sách - Như một lời chia tay - khép lại những vui buồn của tâm trạng. Các bài thơ nói về những nhân vật, những tấm gương, những tâm hồn... đã đi qua cuộc đời này. Sự ra đi của họ qua lời thơ Lương Đình Khoa như là lời tiễn biệt nhẹ nhàng, thanh thản. Tác giả thể hiện nỗi buồn, sự đau đớn trước mất mát như là cách để cố quên đi một người, nhiều người, để mang về sự an yên trong cõi tạm.
"Rút ruột nhả tơ" nhưng Lương Đình Khoa nói về đứa con tinh thần của mình một cách khiêm tốn: Từng câu chữ ở tập thơ này tôi viết ra, đơn thuần chỉ là những dòng cảm xúc ngẫu hứng, có thể cho chính câu chuyện của tôi, có thể cho những câu chuyện của anh em, bạn bè, của một người qua đường lạ xa nào đó vô tình tôi bắt gặp... Vậy nên tôi không mong bài thơ nào cũng được yêu thích, câu thơ nào cũng được gọi là tình, là hay... Bạn hãy cứ dạo chơi qua 5 nét vẽ Yêu, Tình, Tình ca tháng, Cô đơn, Như một lời chia tay rồi vào một khoảnh khắc nào đó bạn chợt nhớ tới một câu thơ, một tâm trạng... cũng đã lấy làm hạnh phúc và ấm lòng.
Buổi lễ ra mắt sách của Lương Đình Khoa được tổ chức lúc 9h ngày 14/2 trong Hội sách mùa xuân 2014 tại Thư viện Hà Nội. Tác giả sẽ ký tặng sách và giao lưu, chia sẻ với độc giả về những bài thơ của mình.
Hiền Đỗ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét