Đời sinh viên điên rồ của 'Ba chàng ngốc'
Những năm tháng sinh viên không chỉ có giảng đường, đồ án và những thí nghiệm. Đó còn là những tháng ngày tuổi trẻ đáng nhớ với những trò quậy phá chẳng giống ai.
- Sai lầm - món quà của tuổi trẻ / Salman Rushdie bị dọa giết nếu đến Ấn Độ
Tên sách: Ba chàng ngốc
Tác giả: Chetan Bhagat
Dịch giả: ACE Lê
Nhà xuất bản Hội nhà văn
Mới chân ướt chân ráo vào Học viện Kỹ thuật Ấn Độ (IIT) ba chàng sinh viên Hari, Ryan và Alok đã bị mấy đàn anh khóa trên cho biết mùi thế nào là "ma cũ bắt nạt ma mới". Cũng chính nhờ phi vụ "chào đón tân sinh viên" này mà ba chàng năm nhất quen nhau và nhanh chóng trở nên thân thiết.
Sách "Ba chàng ngốc" vừa được phát hành ở Việt Nam. |
Ba chàng trai, ba hoàn cảnh, tính cách khác nhau nhưng cùng chung một tư tưởng: Đời sinh viên là những ngày tháng tự do vô cùng quý giá, phải tranh thủ mà tận hưởng. Thế nên đủ trò nghịch ngợm, quậy phá được các anh chàng nghĩ ra. Đầu tiên một thời gian biểu mà chỉ có... kẻ lười mới nghĩ đến: ba tiếng mỗi ngày cho việc tự học. Trong khi gần như cả ký túc xá Kumaon ai cũng chăm chỉ chong đèn học đến gần sáng, ba chàng lại nghĩ chẳng dại gì mà chôn vùi tuổi xuân quý giá cho đống bài tập đồ sộ ở IIT.
Kết quả cho "phương pháp học tập tối ưu" là điểm GPA kỳ đầu tiên chỉ ở mức năm phẩy. Có nghĩa là từ giờ về sau các chàng sẽ bị các giáo sư chú ý đưa vào danh sách "đồ bí bét chẳng có triển vọng gì cho các đồ án nghiên cứu khoa học". Ra trường với mức điểm GPA lẹt đẹt ấy thì cũng đừng mong các công ty Mỹ mời về làm hay có cơ hội học MBA sau khi tốt nghiệp. Chỉ ngần ấy điều đen tối có thể xảy ra đã khiến Alok nổi điên lên và quyết định rời nhóm. Nhưng cái quyết định tưởng chừng như đúng đắn ấy chỉ kéo dài được một năm thôi. Anh chàng lại quay về với hai thằng bạn chí cốt và đâu lại vào đó.
Với mọi người, IIT là một trường đại học danh tiếng, nơi đào tạo ra hàng nghìn kỹ sư cho đất nước Ấn Độ. Nhưng với ba "anh chàng năm phẩy"", nó chỉ là một hệ thống giáo dục trì trệ, nặng nề, giết chết sự sáng tạo của con người. Ở đó, những anh chàng trước kia chí ít xếp thứ hai trong lớp giờ lại đì đẹt xếp sau cả mấy trăm sinh viên. Họ chẳng thể có một tấm bằng đẹp như mơ, nhưng đổi lại họ nhận được một thứ quý giá hơn gấp bội. Đó là tình bạn chân thành.
Với Alok đó là hai người bạn luôn ở bên bất kỳ lúc nào cậu cần. Sẵn sàng cùng Alok rời ký túc xá Kumaon vào lúc nửa đêm khi bố cậu ốm và cậu thì cần về nhà.
Với Ryan đó là hai người bạn với hai tính các trái ngược nhau: một Alok lúc nào cũng phản bác Ryan tới cùng và một Hari luôn răm rắp nghe theo lời cậu. Chỉ có bọn họ mới hiểu được những góc sâu kín nhất trong tâm hồn của Ryan: Một chàng công tử bột có đủ mọi điều kiện vật chất nhưng luôn thiếu tình thương; một người luôn nói "không yêu bố mẹ" nhưng lại giữ rất cẩn thận những bức thư của họ.
Với Hari, đó là hai anh bạn một vừa béo vừa ngốc, một vừa giàu vừa đẹp trai vừa lắm trò, luôn sẵn sàng vì cậu làm đủ trò điên rồ. Họ giúp cậu trèo vào ban công nhà cô bạn gái (cũng là ban công nhà thầy trưởng khoa) chỉ để nói với cô lời chúc mừng sinh nhật. Họ cũng "đồng lõa" với Hari khi đột nhập vào phòng trưởng khoa để ăn cắp đề thi. IIT còn mang đến cho Hari cô bạn gái xinh đẹp Neha, cô gái sẵn sàng bất chấp sự ngăn cản của ông bố độc đoán (giáo sư Cherian) để yêu cậu.
Đâu phải tất cả mọi ông thầy ở IIT đều đáng ghét. Ở đó, thầy Veera là một ngoại lệ. Thầy đánh giá sinh viên dựa vào năng lực chứ không phải bằng điểm GPA như cách hàng chục ông thầy khác vẫn làm. Với thầy, "những kẻ năm phẩy" cũng có cơ hội như bất kỳ sinh viên nào. Thầy cũng là người đấu tranh đến cùng để ba anh chàng lông bông và vô kỷ luật không bị đình chỉ học. Thầy cũng là người duy nhất phát hiện ra tiềm năng về dự án "Dầu bôi trơn tiết kiệm nhiên liệu" của Ryan. Thầy Veera đã ở bên cạnh ba chàng ngốc không chỉ với tư cách một người thầy mà còn là một người bạn.
Một hình ảnh trong phim "Ba chàng ngốc" - phim ăn khách của Bollywood. |
Ba chàng ngốc giống như một cuốn hồi ký thú vị về những ngày tháng sinh viên điên rồ mà đáng nhớ. Nó còn là câu chuyện đẹp về tình bạn, tình thầy trò và những ước mơ cháy bỏng, những khát khao và tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Với giọng kể dí dỏm nhưng cảm động cùng cách dẫn chuyện thoải mái và dung dị, Chetan Bhagat khiến người đọc không thể rời mắt khỏi những con chữ của mình.
Năm 2009, Ba chàng ngốc đã được đạo diễn Rajkumar chuyển thể thành phim. Bộ phim Bollywood đã trở thành phim ăn khách nhất lịch sử Ấn Độ. Có thể bạn đã biết câu chuyện về Ba chàng ngốc bằng ngôn ngữ của điện ảnh, nhưng một lần nữa hãy trải nghiệm nó với ngôn ngữ của văn chương.
Quỳnh Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét